Đề bài: Em hãy phân tích bài thơ Từ ấy của Tố Hữu
Bài làm
Những buổi đầu người chiến sĩ đứng vào hàng ngũ cách mạng, tham gia nhiệm vụ quan trọng công cuộc cứu nước, đều đáng được ghi nhận, đó là ngày của sự trưởng thành, của giá trị lý tưởng sáng ngời. Bài thơ Từ ấy đã thể hiện được cảm xúc dạt dào của khoảnh khắc đáng nhớ đó của nhà thơ trẻ Tố Hữu.
Nhan đề của bài thơ vỏn vẹn hai chữ, nhưng ẩn sâu trong đó là sự đánh dấu giây phút được trưởng thành, được sống trong giây phút nghẹn ngào, không nói nên lời, giây phút trưởng thành thật sự, giây phút reo hò, tràn ngập tươi sáng, cảm xúc trong khi được sống cho lý tưởng cao cả theo Đảng. Thời gian đã xác định cụ thể, “từ ấy” chính xác nhất để miêu tả tâm trạng lúc này của tác giả. Sự thay đổi có thể được định hình từ đây, sự biến chuyển mạnh mẽ trong cuộc đời của mình.
Bài thơ bắt đầu bằng những hướng mở cho lối suy nghĩ, cho tư tưởng, cho những chuỗi ngày dài về sau của tác giả:
Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
Mặt trời chân lý chói qua tim
Sự tin tưởng, sự vui mừng đã xuất hiện, nguồn sáng ấy giờ đây không phải là tự nhiên mà với tâm trạng con người đã có sự thay đổi lớn. Tác giả giới thiệu chúng bằng ngôn từ miêu tả “Bừng nắng hạ”, “mặt trời chân lý” với mỗi người, ta ngầm hiểu được sự thay đổi ấy quá to lớn, khiến cả không gian và thời gian bừng lên những ánh sáng tươi đẹp, của sự sống, của sự chói chang, của nguồn động lực lớn. Hai hình ảnh mang đậm tính ẩn dụ được tác giả sử dụng linh hoạt như để minh chứng cho điều ấy. tất cả đều để trích dẫn cho quá trình bước tới gần với sự sống, lý tưởng sống cao quý của cuộc đời, chứ không còn là sự tối tăm trong suy nghĩ, bế tắc, không lối thoát khi sống giữa cuộc đời mà không biết mục tiêu, không có niềm tin vào điều gì để sống để cống hiến. Có thể nói ánh sáng của Đảng đã mang lại sự sống mới, đúng đắn cho con người này để thêm trân trọng những khoảnh khắc này. Để rồi, tác giả nói:
Hồn tôi là một vườn hoa lá
Rất đậm hương và rộn tiếng chim
Sự so sánh tài tình, chân thành của người thi nhân, người chiến sĩ cách mạng quả thực để lại cho chúng ta những hình ảnh đẹp đẽ, vui cùng niềm vui của tác giả. Ánh sáng của Đảng, cũng mang theo cuộc đời mới cho người chiến sĩ, trong cả tâm hồn, cả hành động tất lẽ dĩ ngẫu đều có sự thay đổi, “vườn hoa lá” có bao giờ thôi “rộn hương” và “rộn tiếng chim”, mọi không gian, thời gian lúc này đều được miêu tả tỉ mỉ, sinh động và đầy sức sống, dù chỉ là trong suy nghĩ của tác giả.
Vẽ lên khung cảnh thiên nhiên đẹp đẽ, như vẽ thêm sự thay đổi tư tưởng bằng gam màu tươi sáng chưa từng có. Để nhấn mạnh sự khác biệt,sự biển đổi mạnh mẽ như thế nào.
Trong hàng ngũ của Đảng, một con người mới, tiếp thu kiến thức mới, sự thay đổi hay nói đúng hơn là sự giác ngộ cách mạng thực chất sẽ là sự tươi mới trong tâm hồn, sự cao đẹp trong hành động, nếp nghĩ:
Tôi buộc lòng tôi với mọi người
Để tình trang trải khắp trăm nơi
Để buộc hồn tôi với bao hồn khổ
Gần gũi nhau thêm vạn khối đời.
Tình người đã được nâng lên, có sự thay đổi trong cách xưng hô giữa “tôi” và “ta”, giờ đây có chút gì đó nghiêm túc, khiêm tốn hơn. Khi dùng động từ “buộc” thật sự hợp lý bởi chỉ có nó mới miêu tả hết sự gần gũi, sự gắn bó mật thiết của người chiến sĩ trẻ với cách mạng, với nhân dân. Khẳng định sự theo đuổi đến tận cùng con đường ấy. Chắc hẳn với sự thay đổi này, một con người sẽ hiểu được vị trí của mình, với lòng kiên trung, với sự biết ơn, sự chia sẻ từ tấm lòng sẽ có nhiều nhiều hơn nữa những sự giúp đỡ đến cuộc đời, đến đau nỗi đau chung dân tộc, đê phấn đấu vì sự nghiệp, mục tiêu chung.
Chỉ vậy thôi, quả thực ánh sáng Đảng mang lại với chúng ta, với người chiên sĩ trẻ quá to lớn, qua ý nghĩa, nó giúp tác giả định hình mình trong cuộc sống, muốn được sống với chân lý đúng đắn nhất của đạo đức đúng mực khi sống chung giữa tập thể, khi làm những nhiệm vụ có liên quan đến dân, đến nước, đến mọi người. Khởi đầu cho những tử tưởng đoàn kết tối thượng cần có trong cộng đồng:
Tôi là con của vạn nhà
Là em của vạn kiếp phôi pha
Là anh của vạn đầu em nhỏ
Không áo cơm, cù bất cù bơ
Một sự thay đổi từ nội tâm, thành công khi tình cảm và lý trí hòa hợp. Sự liệt kê từng lớp người trong xã hội, Từ “là” chẳng là gì khác đó chính là tác giả tự muốn tạo dựng những mối liên kết bền chắc nhất với mọi người xung quanh, chẳng khác chi tình cảm chân thành từ người chiến sĩ với người dân của mình, khẳng định họ chính như người trong ngôi nhà lớn, ta cần bảo vệ họ, cùng san sẻ những nỗi đau, cùng nâng đỡ nhau vượt qua những sóng gió cuộc đời, để cải thiện cuộc sống. Lý tưởng ấy chưa bao giờ đáng quý, đáng trân trọng đến thế.
Bài thơ Từ ấy đã khép lại trong sự hân hoan của tác giả, sự ngưỡng mộ, sự chung vui của người đọc, bởi chính tác giả đã tìm ra chân lý sống cuộc đời, nó đơn giản là cách mạng, là sự biết hy sinh, biết nghĩ cho người khác. Sự trưởng thành ấy có thể coi thực sự có ý nghĩa, một chặng đường gian nan đang chờ, nhưng nếu có sự trân trọng lý tưởng chính đáng, thì khó khăn nào cũng sẽ vượt qua.
Hồng Ngân